Vào một ngày bình thường như bao ngày khác, mình đang ở trường thì bỗng bạn mình – Thuận nó vỗ vai hỏi “Ê mày làm Nghiên cứu khoa học không?”.
Cái vỗ vai ấy bắt đầu cho những tháng ngày làm Nghiên cứu khoa học sinh viên sau này, một trong những trải nghiệm mà mình nghĩ sinh viên đại học nào cũng nên trải qua một lần. Và cũng là cái lý do mà Series “Chuyện làm khoa học” này ra đời
Trở lại với câu chuyện, sau nhiều lần thảo luận về đề tài, tìm thêm thành viên, chúng mình đã có một nhóm bốn người – ba nam một nữ. Sau tầm 05 tháng làm việc, tụi mình đã có sản phẩm, cuối tháng 12/2019, đứa con tinh thần cũng dần xuất hiện, và công việc đầu tiên nhóm nghĩ đến là đi nộp hội nghị khoa học. Kết quả là hiện tại bài nghiên cứu khoa học của nhóm đã đăng trên hội nghị International Conference for Small & Medium Business 2020 (ICSMB 2020), đang được peer review tại Journal of Information Processing Systems (SCOPUS Q3) và cũng đạt giải 3 cuộc thi “Nhà khoa học trẻ UEL 2020”, được đề cử tham dự giải thưởng khoa học EUREKA 2020.
Vậy Nghiên cứu khoa học là gì?
The Dr. Ceyda Özhan Çaparlar trong bài nghiên cứu của mình và các cộng sự, họ định nghĩa: “Research conducted for the purpose of contributing towards science by the systematic collection, interpretation and evaluation of data and that, too, in a planned manner is called scientific research: a researcher is the one who conducts this research “
Tạm dịch: “Nghiên cứu khoa học được thực hiện nhằm đóng góp cho khoa học bằng việc thu thập, giải thích và đánh giá dữ liệu một cách có hệ thống và theo một kế hoạch sẵn được gọi là nghiên cứu khoa học, người thực hiện nghiên cứu được gọi là nhà nghiên cứu”
Chúng ta cùng thảo luận về một số thuật ngữ trong này nhé:
- Đóng góp cho khoa là việc chúng ta cho ra đời những sản phẩm khoa học nhằm giải quyết một vấn đề nào đó của lĩnh vực nghiên cứu, mục đích cuối cùng là nâng cao hiểu biết của con người trong lĩnh vực cụ thể.
- Trong định nghĩa trên, có thể dễ dàng thấy dữ liệu là một phần không thể thiếu của khoa học, có lẽ đây là điều khác biệt giữa khoa học và các lĩnh vực thần bí khác, đó là bất cứ điều gì chúng ta nghĩ nó đúng, thì chúng ta phải chứng minh dựa trên dữ liệu, thay vì dựa vào các thế lực vô hình mà con người chưa nắm bắt được.
Nghiên cứu khoa học sinh viên là làm gì?
Trở lại với hoàn cảnh hiện tại, mình đang học tại Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, một Đại học định hướng nghiên cứu trọng điểm của Chính phủ, vì vậy chương trình của mình học phải có một bài nghiên cứu khoa học.
Đề tài của nhóm mình thực hiện năm vừa rồi là về ứng dụng Học máy (Machine Learning) vào trong việc phân loại tin tức trực tuyến trong lĩnh vực Smartphone, một bài nghiên cứu mang nặng tính kĩ thuật và liên quan về dữ liệu nên mình sẽ chia sẻ chủ yếu về lĩnh vực này trong bài viết sau.
Học được gì từ làm nghiên cứu?
Như mình đã nói ở đầu bài, làm nghiên cứu giúp bản thân mình học được rất nhiều thứ, ngoài việc được tiếp cận với giới học thuật, được sự giúp đỡ bởi các thầy cô, các giáo sư đầu ngành … thì việc nâng cao việc tự học, tự nghiên cứu là một trong những điều đáng giá nhất.
Mình phụ trách phần thu thập dữ liệu từ các trang báo (Crawling) và không có công cụ nào phù hợp với hoàn cảnh của mình lúc đó, thế là từ con số 0, mình bắt đầu tự tiếp cận đến Python – một ngôn ngữ mạnh trong ngành dữ liệu, tự mày mò và đọc các hướng dẫn trên Internet cùng với sự giúp đỡ của các đồng đội thì mình cũng đạt được mục đích của mình, mặc dù bây giờ mình lại những dòng code của mình hồi đó thật ngây ngô làm sao 😀
Bên cạnh đó làm khoa học các bạn còn phải đọc rất rất rất nhiều, phải đọc các bài nghiên cứu trong lĩnh vực của bạn, phải so sánh, đối chiếu xem họ đã làm được gì, chưa làm được gì, cái bạn làm có đang giải quyết một vấn đề trong ngành hay không … Bên cạnh đó có những công cụ mới bạn phải tự đọc để tìm cách sử dụng, đọc thêm sách chuyên ngành, chuyên khảo và vô số thứ có chữ khác, và một điều nữa là đa số chúng đều bằng Tiếng Anh, đó là lý do họ nói Tiếng Anh là ngôn ngữ của khoa học đấy.
Ở bài viết này mình chia sẻ cơ bản nhất về suy nghĩ của mình qua quá trình làm nghiên cứu như vậy, ở bài sau, mình sẽ cố gắng nói rõ hơn là mình đã đảm nhiệm những gì trong bài nghiên cứu, tụi mình đã xử lý các vấn đề phát sinh, tìm kiếm cơ hội nộp hội nghị, tạp chí như thế nào nhé. Bài viết này là một sự cám ơn đến các cộng sự nghiên cứu của mình cũng như TS. Lê Hoành Sử, người đã hướng dẫn nhóm mình rất nhiệt tình trong suốt quá trình nghiên cứu.
Trân trọng cám ơn các bạn đã đọc đến đây. Đừng quên để đón đọc các bài viết mới nhất các bạn có thể truy cập vào https://anhnhat.me/ nhé, bên cạnh đó thì đây là link bài báo của tụi mình: A proposed method for opinion mining online media of smartphone with Vietnamese text
Tái bút: Bài viết này nằm trong chuỗi bài viết về NCKH của CLB ITB, mình chỉ chia sẻ lại một số phần mình viết ở chuỗi bài này, rất cám ơn đội ngũ Ban Học thuật CLB ITB đã hỗ trợ mình một số hình ảnh và nội dung.
Mãiiii vẫn chưa thấy phần 2 anh ạ :((( Em hóng mãi để còn được ra trường :<<
Bài viết hay quá, đúng lúc tụi em đang cần. Cảm ơn những chia sẻ của anh nhiều, em vẫn đang chờ đợi phần tiếp theo ạ.